Tài Khoản Đối Ứng Là Gì? Và Những Điều Cần Biết
Nếu bạn đang học về kế toán hay là dân kế toán mới vào nghề, chắc hẳn bạn cũng đã nghe đến thuật ngữ tài khoản đối ứng, vậy bạn có thắc mắc tài khoản đối ứng là gì không? Đây là một trong số những kiến thức mà bạn giải đáp trong lĩnh vực này. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết nhé!
- Khái niệm
Tài khoản đối ứng, có tên tiếng Anh là contra account. Đây là thuật ngữ được dùng thường xuyên và phổ biến trong kế toán, được hiểu đơn giản là tài khoản ghi lại những khoản phát sinh giữa bên nợ và bên có, giữa tài khoản này ứng với tài khoản kia. Số dư trong tài khoản đối ứng sẽ ngược lại với số dư bên tài khoản liên kết. Nếu bên nợ ghi nhận số dư của tài khoản liên kết thì tài khoản đối ứng sẽ được ghi nhận vào bên có.
Đối ứng tài khoản là phương pháp giúp kế toán kiểm tra thông tin, sự vận động của tài sản, nguồn vốn trong mỗi nghiệp vụ phát sinh của các đối tượng trong những mối quan hệ liên quan nhau.
Ví dụ: Doanh nghiệp A dùng tiền mặt để mua nguyên vật liệu với giá là 5.000.000 đồng, đã thanh toán đủ cho người bán, khi đó nghiệp vụ trên sẽ được định khoản như sau:
Nợ TK 152: 5.000.000
Có TK 111: 5.000.000
Khi đó, ta nói tài khoản 152 đối ứng với tài khoản 111 và ngược lại.
- Các quan hệ đối ứng tài khoản cơ bản
Có 4 loại quan hệ đối ứng tài khoản bao gồm:
Quan hệ tài sản tăng – tài sản giảm: Khi tài sản này tăng thì tài sản khác sẽ giảm tương ứng một lượng như nhau. Những nghiệp vụ này thường làm thay đổi kết cấu tài sản nhưng không làm tổng tài sản thay đổi và nó xảy ra trong nội bộ của doanh nghiệp.
Ví dụ: Nộp tiền mặt vào ngân hàng, mua tài sản (hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị…) bằng tiền (tiền mặt, tiền gửi ngân hàng…),…
Quan hệ nguồn vốn tăng – nguồn vốn giảm: Khi nguồn vốn này tăng thì nguồn vốn tương ứng khác sẽ giảm. Tương tự như quan hệ trên, những nghiệp vụ này thường làm thay đổi kết cấu nguồn vốn nhưng không làm tổng nguồn vốn thay đổi và nó xảy ra trong nội bộ của doanh nghiệp.
Ví dụ: Trích lợi nhuận để lập quỹ khen thưởng, bổ sung nguồn vốn kinh doanh từ vốn vay,…
Quan hệ tài sản tăng – nguồn vốn tăng: Nghiệp vụ này làm quy mô nguồn vốn, tài sản của doanh nghiệp thay đổi, cụ thể là tăng lên với một lượng như nhau, tuy nhiên sự cân bằng giữa tổng tài sản và tổng nguồn vốn không bị ảnh hưởng.
Ví dụ: Nhận tài sản từ các nhà đầu tư, mua nguyên vật liệu chưa trả tiền người bán,…
Quan hệ tài sản giảm – nguồn vốn giảm: Cũng như nghiệp vụ trên, quy mô tài sản và nguồn vốn giảm với cùng một lượng như nhau và tính cân bằng giữa tổng tài sản và tổng nguồn vốn của doanh nghiệp không đổi.
Ví dụ: Dùng tiền mặt (tiền gửi ngân hàng) trả nợ người bán, trả lương cho công nhân viên,…
- Tác dụng của phương pháp đối ứng tài khoản
Phương pháp đối ứng tài khoản giúp kế toán cung cấp thông tin tổng hợp cho từng loại đối tượng kế toán trong mỗi nghiệp vụ phát sinh, đồng thời nó cũng phản ánh các mối liên hệ giữa các đối tượng này với tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn này. Đây là cơ sở để hoàn thành bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp chính xác và đầy đủ nhất.
Phương pháp đối ứng tài khoản trong kế toán có tác dụng rất quan trọng trong hoạt động quản lí từng đối tượng kế toán riêng biệt trong hệ thống tài khoản kế toán của công ty/ doanh nghiệp hiện nay. Đây được xem như bước nghiệp vụ đầu tiên không thể thiếu trước khi tiến hành lập báo cáo tài chính.
Trên đây là thông tin cơ bản giúp bạn nắm rõ kiến thức tài khoản đối ứng là gì cũng như những thông tin liên quan cần biết cho quá trình học tập và làm việc trong ngành kế toán. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp cho các bạn hiểu rõ hơn về công việc kế toán.