Bước ra khỏi vùng an toàn và chinh phục ranh giới của bạn

Bước ra khỏi vùng an toàn và chinh phục ranh giới của bạn

Một con ốc thu mình thì không thể khám phá đại dương. Một con người thu mình thì khó biết được thế giới bên ngoài thú vị đến đâu.

Bạn không thể bắt chuyện người mình thầm mến, không thể lặn sâu nơi đáy biển, không thể nếm thử hương vị mới lạ của một món ăn, không thể nói tiếng anh trôi chảy… Bạn luôn nói rằng mình không thể nhưng thực ra bạn có thể làm được tất cả những điều ấy. Bạn chỉ đang tự tạo ra ranh giới an toàn cho bản thân vì ngại thử thách, sợ thất bại, sợ xấu hổ mà thôi. Nỗi sợ hãi đã khiến bạn tự hạn chế bản thân và đưa mình vào vùng an toàn để “ẩn náu”.

Vùng an toàn mang lại cho bạn cảm giác thoải mái và thõa mãn, thế nhưng nó có thực sự tốt? Bạn cần làm gì nếu muốn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân? Hãy đọc bài viết này để tự tìm ra câu trả lời cho mình.

Vùng an toàn là gì?

“Comfort zone – Vùng an toàn” là cụm từ đã khá quen thuộc với giới trẻ hiện nay. Hiểu một cách đơn giản thì vùng an toàn chính là giới hạn mà chúng ta tự đặt ra để ngăn cách bản thân với thế giới xung quanh. Sống trong vùng an toàn, bạn luôn cảm thấy thoải mái với những thứ quen thuộc. Nơi đó không có sự gò bó, ép buộc, không có những thử thách và bạn luôn có khả năng kiểm soát mọi vấn đề.

Vì sao bạn nên bước ra khỏi vùng an toàn của mình?

Nhiều người luôn tự hỏi: “Tại sao phải bước ra khỏi vùng an toàn khi tôi luôn cảm thấy thoải mái và hài lòng với cuộc sống?” Nhưng bạn biết không, thế giới ngoài kia luôn ẩn chứa những điều thú vị, mới mẻ cần chúng ta khám phá mỗi ngày. Nếu sống trong vùng an toàn quá lâu sẽ khiến chúng ta đánh mất nhiều cơ hội khám phá khả năng của bản thân. Không có sự trải nghiệm, bạn sẽ không biết được bản thân mình muốn gì và cũng không biết đến cảm giác hạnh phúc khi bản thân chinh phục được thử thách là như thế nào. Càng sống lâu trong vùng an toàn, bạn càng mất đi sự cố gắng, mất đi động lực để biến những ước mơ, mục tiêu của cuộc đời mình thành hiện thực.

Làm sao bạn có thể thành công nếu không đối mặt với những khó khăn, thử thách? Làm sao bạn chạm đến ước mơ của mình khi không có sự cố gắng? Việc bước ra khỏi vùng an toàn sẽ khiến bạn không thoải mái nhưng đó là điều cần thiết và nên làm để bạn phát triển bản thân.

Làm thế nào để bước ra khỏi vùng an toàn?

Nếu một ngày nào đó bạn cảm thấy cuộc sống trong vùng an toàn quá chán nản và tẻ nhạt, muốn bước qua ranh giới để khám phá bản thân thì hãy thử áp dụng những cách sau nhé!

Trước tiên, hãy thử thách bản thân bằng những việc đơn giản

Những thử thách ban đầu nên là những thử thách đơn giản, dễ thực hiện như đọc một cuốn sách mới, uống cà phê ở một quán lạ, thử bắt chuyện với một người mà bạn đã ngưỡng mộ từ lâu… Sau khi đã thấy tự tin hơn, bạn hãy tiếp tục bản thân với những thử thách mang tính chọn lựa hay thành công-thất bại như đưa ra quyết định 1 cách nhanh chóng, bỏ tiền đầu tư cho lĩnh vực mình yêu thích…

Đừng xấu hổ khi mình nói sai hay làm sai

Chúng ta thường chỉ tự tin trong những lĩnh vực mà mình hiểu biết. Chính những nỗi sợ hãi, xấu hổ khi nói sai, làm sai đã khiến chúng ta tự tạo ra rào cản làm bản thân khó phát triển.

Ví dụ khi học tiếng anh, bạn phát âm sai hay ngữ điệu không hay khiến bạn cảm thấy xấu hổ, không muốn tiếp tục. Đừng để sự tự ti ấy làm ảnh hưởng đến bạn, bởi vì không ai không mắc lỗi sai khi học ngôn ngữ, cũng không ai học vài ngày là có thể nói tiếng Anh trôi chảy.

Thất bạn là mẹ thành công, có thể lần đầu tiên bạn thử thách bản thân và kết quả không như mong muốn nhưng điều đó không có nghĩa là bạn mãi mãi thất bại. Một việc nếu bạn làm đi làm lại thì chắc chắn kết quả sẽ ngày càng tốt hơn.

Suy nghĩ tích cực và tự tin vào bản thân

Những suy nghĩ tích cực như “ Tôi có thể làm được!” “ Tôi sẽ làm được!” sẽ mang đến cho bạn sự lạc quan và nguồn năng lượng tràn đầy để bạn đối mặt với những thử thách, biến thử thách thành cơ hội để bản thân phát triển hơn.

Nói đồng ý kể cả khi bạn chưa sẵn sàng

Sếp muốn bạn đảm nhiệm một công việc với nhiều khó khăn nhưng lại có khả năng thăng tiến cao, bạn đang chần chừ không quyết định vì chưa sẵn sàng. Sự chần chừ của bạn sẽ là cơ hội cho những người khác. Vì thế, hãy nói đồng ý kể cả khi bạn chưa sẵn sàng bởi đó là một cơ hội tốt để bạn thử thách bản thân và vượt qua ranh giới của sự an toàn.

Kết luận

Vùng an toàn quả thực mang đến cho con người nhiều sự thoải mái và yên ổn. Thế nhưng bạn sẽ mãi mãi không biết sự thành công đáng giá bao nhiêu nếu không bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Hãy dũng cảm thay đổi bản thân, bước qua ranh giới của sự an toàn, bạn sẽ nhận ra nhiều giá trị tốt đẹp của sự thành công.